Bộ GD&ĐT phối hợp với UEH tổ chức Tọa đàm Indicators đánh giá quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam
Ngày 29/06/2019, tại phòng A.205, Cơ sở A - 59C Nguyễn Đình Chiểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Tọa đàm Indicators đánh giá quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam. Tọa đàm lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các Trường có nhiều kinh nghiệm về quốc tế hóa trong khối Đại học Việt Nam, nhằm hoàn chỉnh bộ tiêu chuẩn đánh giá hiện trạng, cũng như các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục Việt Nam vào tháng 07/2019.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng. Về phía UEH, có GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng: Chủ nhiệm đề tài. Chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo các trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Anh Quốc Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ nhu cầu thực tế hiện nay về việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã xác định yêu cầu hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo là đặc biệt quan trọng nhằm tạo dựng môi trường giáo dục quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tiếp cận với mô hình quản trị giáo dục tiên tiến. Đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết, nhiều chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, trong đó nổi bật nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng (BCH TW) về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã xác định một trong 9 giải pháp đổi mới giáo dục là “Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo”.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học như quốc tế hóa đội ngũ giảng viên bằng hình thức gửi các giảng viên, sinh viên xuất sắc sang nước ngoài học tập theo ngân sách Nhà nước như các đề án 322, 599, 911; tăng cường hội nhập quốc tế trong đào tạo như thực hiện đề án “Chương trình tiên tiến”; xây dựng các trường đại học quốc tế xuất sắc như trường Đại học Việt-Đức, Việt-Pháp, Việt-Nhật, Việt-Nga… thực tế thực hiện vẫn còn rất nhiều các khó khăn, vướng mắc, lý do trước tiên là do chưa có một khuôn khổ, định hướng cụ thể nhằm dẫn dắt, định hướng các trường đại học, dẫn đến việc hầu hết các trường, mặc dù rất muốn quốc tế, nhưng “quốc tế” bằng cách nào? Làm cách nào để biết mình “quốc tế”?
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và những trăn trở nêu trên, tọa đàm nhằm mục đích chia sẻ, thảo luận, tập hợp ý kiến của các chuyên gia, các vị lãnh đạo các trường đại học, để bàn luận về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của quốc tế hóa giáo dục đại học, các chỉ tiêu nào còn thiếu, cần điều chỉnh, bổ sung.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Tọa đàm
GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng phát biểu
Các đại biểu trao đổi, góp ý nhằm hoàn thiện hơn các chỉ số indicators đánh giá quốc tế hóa giáo dục tại Việt Nam
Toàn cảnh tọa đàm
Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.