Hội thảo “Liên kết vùng để cung ứng thực phẩm an toàn: Kết quả nghiên cứu ban đầu và đối thoại chính sách với các tỉnh thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” tại UEH

Nằm trong Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, chiều ngày 26/12, tại Cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp cùng với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Liên kết vùng để cung ứng thực phẩm an toàn; Kết quả nghiên cứu ban đầu và đối thoại chính sách với các tỉnh/thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” để tập hợp rộng rãi ý kiến của các nhà khoa học, Sở Công thương và các sở ngành liên quan ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hình ảnh đại biểu tại Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH và ông Trần Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Sở Công thương có Ông Trần Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở; Về phía UEH có GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Tiến Khai - Phó trưởng phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình; Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành TP. Hồ Chí Minh; Đại diện lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước);

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc

Mở đầu Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc và chia sẻ một số thông tin tổng quan về kết quả của đề án với mục tiêu lấy ý kiến, góp ý, đồng thuận và phản biện để đóng góp cho nhóm nghiên cứu; Lắng nghe ý kiến đề xuất các cơ chế liên kết dọc hợp lý và khả thi cho các chuỗi giá trị nông sản phẩm; Thông tin kết quả bước đầu và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp, Sở Công Thương các tỉnh, thành và các cơ quan có liên quan cho đề án và khởi động tiến trình đối thoại với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

PGS.TS. Trần Tiến Khai báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

PGS.TS. Trần Tiến Khai thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ tình hình cung ứng thực phẩm ở các chuỗi giá trị, chợ đầu mối, hành vi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh và hành vi người sản xuất các tỉnh thành. Theo kết quả nghiên cứu, người tiêu dùng hiện nay đang mất niềm tin về thị trường thực phẩm nói chung vì đa số họ cho rằng thực phẩm hiện nay kém an toàn hơn 10 năm trước đây và họ sẵn lòng trả cao hơn cho thực phẩm thực sự an toàn có chứng nhận đáng tin cậy; Người tiêu dùng thường xuyên sử dụng thực phẩm an toàn tin tưởng vào chất lượng thực phẩm an toàn có chứng nhận, tin tưởng vào cơ quan cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, tin tưởng vào các chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ, và cảm thấy hài lòng về thực phẩm an toàn; Họ có mức sẵn lòng trả tăng thêm cao hơn cho các thực phẩm an toàn có chứng nhận (34% đối với thịt gà, 36% đối với thịt heo và 66% đối với rau); Hầu hết hộ trồng rau và chăn nuôi heo gà không tham gia Hợp tác xã, chỉ một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap do sự khuyến khích của chính quyền địa phương nhưng chưa tham gia được các liên kết dọc với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm vì quy mô nhỏ lẻ và hoạt động chưa ổn định để đảm bảo nguồn cung; Thiếu đầu mối tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và không phân biệt giá là cản trở chính cho hộ gia đình sản xuất…; PGS.TS. Trần Tiến Khai phân tích xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ngày càng lớn; khi mức thu nhập của người dân thành phố tăng lên thì họ sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm an toàn và chỉ ra cơ chế kiểm soát ATVSTP vẫn còn hạn chế, chưa hình thành cơ chế vận hành liên kết vùng; Các hộ dân, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn ít.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương trình bày tham luận

Đại diện Sở Công thương, Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc cho rằng hoạt động liên kết cung ứng hàng hóa giữa các địa phương vẫn còn diễn ra một cách ngẫu nhiên, thiếu chặt chẽ. Theo thống kê hiện tại, thị phần bán lẻ chiếm khoảng 75% (bao gồm các chợ truyền thống, chợ vỉa hè…); số còn lại là kênh bán lẻ hiện đại, chiếm khoảng 25%, khoảng 80% hàng nông sản, thực phẩm tập trung về thành phố thông qua 3 chợ đầu mối lớn (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), khoảng 15% đi vào hệ thống phân phối hiện đại, 5% đi thẳng về các chợ lẻ. Theo Ông, cần đưa liên kết vùng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu; hình thành các chuẩn mực cho hàng hóa như VietGAP, GlobalGAP thông qua liên kết vùng để “lên đời” sản phẩm, giải quyết dứt điểm vòng luẩn quẩn “giải cứu” hàng hóa, người mua - người bán khó gặp nhau…

Các đại biểu đóng góp ý kiến và giải pháp cho Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ ra các yếu kém liên quan đến việc vận hành cơ chế liên kết vùng, giám sát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nguồn cũng như đưa ra các ý kiến, các đề xuất các giải pháp trong ngắn và dài hạn và đánh giá các tiềm năng kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các cơ quan báo chí đưa tin về sự kiện: 

Báo Sài Gòn Giải Phóng online: Tăng kết nối vùng, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm 

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.