Hội thảo Rà soát và đánh giá tác động của chính sách phân cấp tài khóa đối với các mục tiêu phát triển ở Việt Nam

 

Vấn đề ngân sách và chi tiêu công đang là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay và đang nhận được nhiều sự quan tâm của dân chúng. Trong tình hình sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua có nhiều dấu hiệu chững lại do những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, hiệu quả của việc phân cấp quản lý ngân sách là một câu hỏi được đề cập rất nhiều tại các phiên họp quốc hội, các buổi làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong nhiều hội thảo khoa học.

Ngân hàng Thế giới, với mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của các nước có thu nhập trung bình - thấp, giúp các quốc gia này giảm nghèo và phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam, cũng đã tiến hành những nghiên cứu về mặt chính sách đối với sự phân cấp tài khóa ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới do Ông Habib Rabb (chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới làm trưởng nhóm) làm trưởng nhóm với sự cố vấn của TS. Anwar Shah (Chuyên gia Tư vấn quốc tế trong lĩnh vực Quản trị và Kinh tế công, Brookings Institution, Washington DC) đã thực hiện nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị sửa đổi đối với Luật Ngân sách Nhà nước (2002), các vấn đề về minh bạch cũng như đánh giá hiệu quả của chính sách phân cấp tài khóa ở Việt Nam. Trước khi đưa ra báo cáo chính thức cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã có buổi trình bày, trao đổi và thảo luận kết quả nghiên cứu với Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội, Viện Kinh tế Việt Nam (Thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright để nghe các ý kiến đóng góp và phản hồi.

Buổi báo cáo diễn ra vào sáng ngày 06/11/2014 tại phòng H.001 Cơ sở H (số 1A Hoàng Diệu, Q. Phú Nhuận) với sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô, các nghiên cứu sinh và học viên cao học UEH chuyên nghiên cứu về kinh tế công, tài chính công, thuế, ngân sách, kế hoạch và phát triển, phân tích chính sách... Rất nhiều câu hỏi và phản hồi được đưa ra thảo luận, được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao vì tính khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn khách quan. 

Tiến sĩ Anwar Shah là Giám đốc Trung tâm Kinh tế công tại Chengdu/Wenjiang, Trung Quốc và cũng là một nhà tư vấn/cố vấn cho Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ông tham gia chỉ đạo Chương trình đào tạo của Viện Quản trị Nhà nước trực thuộc Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2004-2009. Ông đã từng làm việc tại Bộ Tài chính, Chính phủ Canada, Chính quyền Alberta, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Ông đã xuất bản hơn hai chục cuốn sách và rất nhiều bài báo trên các tạp chí kinh tế hàng đầu về quản trị nhà nước, cải cách quản lý nhà nước, cải cách ngân sách, chế độ liên bang, chính quyền địa phương, cải cách tài chính và các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Cuốn sách gần đây của ông bao gồm Phân cấp quản lý tài khóa (viết cùng với Robin Boadway), do Cambridge University Press phát hành, Thực hành phân cấp và quản lý ngân sách: Quan điểm so sánh, được xuất bản bởi Đại học McGill-Queen, Ưu đãi tài chính cho đầu tư và đổi mới, của Oxford University Press, và Quản trị địa phương ở các nước đang phát triển và Trách nhiệm giải trình và đấu tranh chống tham nhũng, của Worldbank.

Ông Habib Rabb hiện là kinh tế gia kinh tế phát triển cao cấp tại Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính công. Trước đây ông là kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Timor-Leste, và là cố vấn của Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới và IMF tại Vương quốc Anh. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu kinh tế làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế thuộc Uy ban Kinh tế Chính phủ Vương quốc Anh, và làm tại Viện Phát triển Hải ngoại, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở châu Á và châu Phi.

Đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học UEH tham dự

TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Trưởng khoa Kinh tế phát biểu đề dẫn Hội thảo và giới thiệu sơ lược về các báo cáo viên

Tiến sĩ Anwar Shah báo cáo nội dung “Hiện trạng và cải cách về phân cấp tài khóa tại Việt Nam: nguồn thu, số bổ sung và nợ của địa phương”

Ông Habib Rabb báo cáo nội dung “Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (2012): Chuyển sang hệ thống tài chính công vì một Việt Nam thu nhập trung bình”

Tin, ảnh: Phòng CTCT và Khoa Kinh tế