Tiếp sức đến trường 2015: Như một giấc mơ

 

Cô tân sinh viên đã nở nụ cười rạng rỡ khi ngồi trên ghế giảng đường nghe những bài học đầu tiên sau chặng đường cam go. Làm sao để được điều này?

Nghe đọc bài: Tiếp sức đến trường 2015: Như một giấc mơ

Nụ cười của Hoa trong buổi học đầu tiên khi trở thành tân sinh viên vào sáng 13-10 - Ảnh: N.Hiển
Nụ cười của Hoa trong buổi học đầu tiên khi trở thành tân sinh viên vào sáng 13-10 - Ảnh: N.Hiển

“Tôi quá xót xa trước hoàn cảnh của em nhưng tôi không có khả năng giúp đỡ em tiếp tục vì chúng tôi còn có các em học sinh khó khăn bên mình cần được cưu mang để các em hoàn thành chương trình THPT...”. Đọc lá thư ký tên Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), chúng tôi tức tốc lên đường.

Và cái kết của câu chuyện: “Mừng quá”, “Ngoài sức tưởng tượng” - là cảm xúc của mẹ và cô giáo chủ nhiệm của Phạm Thị Hoa khi từ buổi sáng 13-10, cô tân sinh viên đã nở nụ cười rạng rỡ khi ngồi trên ghế giảng đường nghe những bài học đầu tiên sau chặng đường cam go.

Gian nan con đường học

Từ địa chỉ trong lá thư, chúng tôi tìm về nhà trọ của gia đình Hoa ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM mới hay cô học trò này đã nghỉ học khi vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm 24,25, đang làm công nhân ở một xưởng may tại huyện Hóc Môn.

Không thể hình dung một cô học trò là bí thư lớp, suốt ba năm liền đạt học sinh giỏi, đậu ĐH điểm cao lại dễ dàng bỏ ngang việc học như thế nên chúng tôi tìm đến xưởng may ngay.

Vì hoàn cảnh cùng cực mà sáu năm nay Hoa cùng mẹ, anh trai và vợ chồng chị gái giã từ quê nhà Bạc Liêu lên Sài Gòn ngụ cư, mưu sinh bằng gánh hàng rong. Người cha già của Hoa vẫn trụ lại ở một chòi canh sát bờ biển quê, tự nuôi thân bằng nghề mò nghêu bắt ốc.

Mẹ của Hoa, bà Nguyễn Thị Nhung, mất sức lao động sau cơn bạo bệnh hai năm trước, cuộc sống cả gia đình đặt lên đôi vai vợ chồng anh chị của Hoa với gánh trái cây bán dạo bữa được bữa mất. Không cầm lòng nhìn các con cơ cực, bà cũng gắng gượng bày một mớ khoai lang trước phòng trọ kiếm thêm đồng bạc qua ngày.

Năm ngoái, Hoa định nghỉ học để đi làm thêm, phụ giúp gia đình lo học phí cho anh trai nhập học Trường trung cấp Quân y 2 
(TP.HCM). Chuyện này đến tai cô giáo chủ nhiệm Kim Anh. Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô vận động các bậc phụ huynh, xin quỹ khuyến học của trường rồi cô bỏ thêm tiền túi để cô học trò nghèo này không bỏ học.

Hôm sau đến lớp, nghe kể lại trong buổi họp phụ huynh, mẹ của Hoa đã khóc khi mọi người góp tiền học phí, về nhà Hoa chạy tới ôm mẹ hỏi sao mẹ không nói với con. Mẹ trả lời: “Sinh con ra mà không nuôi nổi, không cho con được đi học tới nơi tới chốn mà phải cậy người ta, mẹ có lỗi với con”.

Đúng một năm sau, hai mẹ con lại ôm nhau khóc sướt mướt trong một buổi chiều mưa chập choạng khi Hoa vừa tan ca ở xưởng may sau những ngày dự kỳ thi THPT quốc gia. Nhìn con cầm trên tay tờ giấy báo nhập học, người mẹ này đau như xé lòng nhưng đành khuyên đứa con gái út: “Thôi con nghỉ học đi, tiền đâu mà đóng tiền triệu một lần hả con, nuôi con ăn má nuôi được chứ nuôi học thì má đuối”.

Đêm hôm ấy, cô học trò này khóc trọn một đêm sưng húp cả mặt, sáng hôm sau lủi thủi đến xưởng may thay vì đến trường nhập học.

Và con tim đã vui trở lại...

Từ xưởng may trở về nhà trọ, Hoa kéo ngăn tủ đưa chúng tôi xem tờ giấy báo nhập học đã trễ hạn mà Hoa vẫn còn giữ thẳng thớm. Hằng đêm, cô học trò này vẫn giở tờ giấy báo ra xem rồi lặng lẽ khóc vì giấc mơ trở thành tân sinh viên của Hoa với sự giúp đỡ của biết bao bàn tay ân tình tưởng chừng đã với tới nay lại tuột khỏi tầm tay.

“Tôi không thể tin là mình phải nghỉ học. Nhưng má và anh chị chạy vạy vất vả quá”, Hoa nói. Không cam lòng, Hoa lại sang cậy cô chủ nhiệm bảo lãnh để Hoa vay vốn sinh viên nhưng đã trễ hạn. Cánh cửa ước mơ vào ĐH đã khép.

Nghe con gái tính chuyện bỏ học, bà Nhung mắt ngấn lệ nói cô chủ nhiệm mấy lần đến nhà dặn gia đình suy nghĩ kỹ. Bà bảo: “Cô giáo nói đi nói lại nhưng nghĩ gì nữa, con mình ham học lại học giỏi, nếu có tiền thì cho con đi học rồi chứ ai đời mẹ lại khuyên con nghỉ học”. Nói xong, bà lại ôm con khóc òa.

Khi chúng tôi hỏi nếu được đi học trong năm nay Hoa có học không, Hoa trả lời dứt khoát: “Có chứ, tôi vẫn cầu mong một phép mầu”.

Ngay hôm sau, chúng tôi đem câu chuyện về bức thư của cô giáo Kim Anh và ước mơ cháy bỏng được trở thành nữ kế toán của Hoa chuyển tải đến ban giám hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, phó hiệu trưởng nhà trường, đã trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của Hoa và quyết định cho cô học trò nghèo này được nhập học ngay trong chiều 12-10. Đồng thời, trường cũng miễn học phí toàn khóa học cho Hoa.

“Tôi quá may mắn. Tôi không được phép thất bại để sau này tôi phải trả lại những ân tình này”, Hoa khẳng định.

Chiếc áo vải sờn vai

Trên đầu giường của Hoa treo hai chiếc áo trắng mà cả hai bên vai đều sờn rách. Đây là hai chiếc áo mà cô học trò này đã khoác thường ngày suốt ba năm phổ thông dù đến năm thứ ba áo trắng ngả sang màu ố vàng, sờn vải rách hai bên vai. Để mặc đi học, Hoa nhờ mẹ cắt chiếc túi áo trắng của anh trai rồi đắp 4 miếng lên hai vai lộ rõ đường chỉ và hai màu áo.

“Mình nhà khó thì phải chấp nhận mặc áo vá đi học chứ biết sao giờ”, Hoa nói. Cô giáo chủ nhiệm của Hoa cho biết xúc động nhất vẫn là hình ảnh Hoa ngồi sau thùng xe lôi của anh rể cùng mớ trái cây đến trường mà không hề ngại ngùng như bao bạn bè cùng trang lứa.

(Theo NGỌC HIỂN - TTO)