Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh không ngừng tiên phong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Ngày 15/01/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, Đề án lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế với 07 nhiệm vụ trọng tâm về: tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, quốc tế hóa giáo dục đại học, dự báo nguồn nhân lực trình độ cao và xây dựng môi trường phát triển giáo dục.
Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Định hướng phát triển của UEH đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025
Chủ trương Đề án đã cho thấy sự phù hợp về chiến lược phát triển của UEH trong thời gian qua và tính tiên phong của UEH đối với hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
Từ năm 2012, với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận quốc tế với phương châm “học những gì thế giới đang học”, UEH đã triển khai xây dựng “Chương trình tiên tiến quốc tế UEH” dựa trên nguyên tắc: chương trình tương đồng top 100 với các chương trình sau đại học và top 200 với các chương trình đại học từ các trường tiên tiến trên thế giới. Năng lực tiếng Anh của sinh viên được UEH chú trọng ngay từ đầu vào khi tuyển sinh, trong quá trình đào tạo và là tiêu chí bắt buộc trong chuẩn đầu ra. Song song với chương trình đào tạo tiên tiến, năm 2018 Trường đã đưa và thu hút hơn 500 sinh viên UEH ra thế giới và sinh viên quốc tế về UEH thông qua các chương trình: trao đổi sinh viên, du học chuyển tiếp, thực tập tại các công ty ở các quốc gia phát triển (Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan, New Zealand,…) với 24 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài và mạng lưới các trường đối tác ở 04 châu lục.
Đoàn lãnh đạo UEH sang thăm và làm việc; SV ưu tú UEH tham quan doanh nghiệp và giao lưu văn hóa tại Úc
Hoạt động quốc tế hóa đã diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ trên tất cả phương diện của Nhà trường trong nhiều năm qua, không chỉ ở lĩnh vực đào tạo mà trong đó còn có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Năm 2018, UEH là trường đa ngành về lĩnh vực kinh tế duy nhất nằm trong top 15 trường Đại học công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam do Bộ GD&ĐT đánh giá. UEH tự hào về Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies - JABES) là tạp chí thuộc lĩnh vực kinh tế đầu tiên của Việt Nam được xuất bản bởi EMERALD. Bên cạnh đó, mỗi năm UEH cùng các đối tác trên thế giới đã tổ chức trung bình 15 hội thảo và báo cáo chuyên đề quốc tế.
UEH ký kết hợp tác với Trường Đại học Quản lý Singapore trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng quốc tế hóa, UEH đã xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ. Vì vậy, UEH đã thu hút các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Trường với nhiều chính sách tiên phong hấp dẫn và tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện nay, UEH có 122 chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đang làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường. Từ năm 2013 đến nay, đã có trên 2.000 lượt viên chức UEH được cử tham gia nhiều nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước, 158 viên chức đi học tại các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới.
Bên cạnh việc đầu tư vào đội ngũ, UEH không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin. Trường đang thực hiện dự án xây dựng cơ sở 279 Nguyễn Tri Phương 15 tầng và dự án cơ sở Nam Thành phố với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và các dự án khác như ký túc xá hiện đại, thư viện thông minh.
Với những nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm xây dựng môi trường đào tạo đạt chất lượng cao của một trường đại học trọng điểm quốc gia và là một trường đại học uy tín trong khu vực. UEH đã hoàn thành kiểm định trong nước theo tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT, đạt 03 chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA và 04 chương trình theo tiêu chuẩn FIBAA của kiểm định quốc tế. Đồng thời, Trường đã trở thành thành viên liên kết (Associate Member) của Tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mạng lưới các trường đại học ASEAN, thành viên của Hiệp hội Kinh tế và Kinh doanh Á Âu (EBES). Từ năm 2008 đến nay, UEH được tổ chức Eduniversal xếp hạng trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam, nằm trong top 1000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới.
Đặc biệt, cùng với sự đồng lòng, tập thể UEH đã triển khai thành công mô hình tự chủ đại học từ năm 2014 và đạt được nhiều thành tựu trên các mặt hoạt động phục vụ nghiên cứu hàn lâm, đào tạo và quản trị nhà trường.
UEH tiếp tục nỗ lực và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Tập thể lãnh đạo, viên chức UEH vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực hoàn thành sớm các mục tiêu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 do Thủ tướng chính phủ giao phó, nâng cao thứ hạng của UEH trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới.
Đại biểu thống nhất cao với nhiệm vụ công tác năm 2019
Đến năm 2020, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về khoa học kinh tế, quản trị kinh doanh, luật… cho lĩnh vực công và tư có uy tín ngang tầm với các cơ sở đào tạo đại học chất lượng cao trong khu vực Châu Á. UEH sẽ tiếp tục giữ vững và ngày càng phát huy vị thế là trường đại học trọng điểm quốc gia, từng bước chuyển sang đa ngành; chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực hoạt động; định hướng phát triển theo đại học nghiên cứu; đảm bảo đào tạo chất lượng cao, đáp ứng tốt thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hẹ công chúng.